Phó trưởng Ban Tổ chức T.Ư:'Tôi cũng bị đề nghị ủng hộ nhóm này, nhóm kia'
"Ngay như cá nhân tôi cũng bị có người đến gửi văn bản đề nghị ký ủng hộ nhóm này, nhóm kia nhưng tôi trả lời là Không"- ông Nguyễn Đình Hương.
Công minh, tỉnh táo trong công tác tổ chức cán bộ
Tôi từng có may mắn được phục vụ 8 kỳ Đại hội Đảng. Mỗi đại hội đều có những ý kiến đảng viên thắc mắc, kiến nghị khác nhau về người này người kia cũng là điều bình thường thôi. Có những việc phải thẩm tra, xác minh mất 5 năm mới làm rõ nhưng những việc thông tin xấu độc lan tràn như gần đây thì trước đây không có, mới chỉ có nhiều ở hai kỳ đại hội gần đây.
Tôi không loại trừ nguyên nhân do những phần tử xấu, thậm chí do “lợi ích nhóm”. Họ muốn bảo vệ ông này thì nói xấu ông kia. Điều đó đặt ra cho Ban Chấp hành Trung ương và các cơ quan lãnh đạo của Đảng phải công minh, tỉnh táo để xử lý thông tin. Ngay như cá nhân tôi cũng bị có người đến gửi văn bản đề nghị ký ủng hộ nhóm này, nhóm kia nhưng tôi trả lời là “không”. Nhiều thông tin rất bậy bạ, giật gân.
Để xử lý thông tin này, theo tôi phải thực hiện cho được 3 vấn đề “dân chủ, công khai, minh bạch”. Cán bộ vào Trung ương, vào Quốc hội hay các cơ quan lãnh đạo cấp cao thì phải được giám sát chặt chẽ, phải chứng minh mình làm được gì chứ không phải vào “cho đẹp đội hình”. Muốn Đảng mạnh thì phải có đội ngũ cán bộ mạnh, mà muốn cán bộ mạnh thì đội ngũ cán bộ phải trong sạch, có tư duy và năng lực đổi mới và thông qua hiệu quả công việc làm thước đo đánh giá cán bộ. Cùng với đó là kỷ luật phải nghiêm minh.
Thời chúng tôi làm công tác tổ chức cán bộ, từng học được nhiều bài học sâu sắc từ Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo như Tổng Bí thư Lê Duẩn, Trường Chinh; Trưởng ban tổ chức Trung ương Lê Đức Thọ. Ai có sai phạm, chủ nghĩa cá nhân, tham ô là xử lý nghiêm ngay, cho ra khỏi Trung ương ngay, nói đi đôi với làm. Nếu duy trì nghiêm kỷ luật Đảng thì công tác tổ chức cán bộ sẽ tốt.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng:
Chủ động sàng lọc thông tin
Cứ mỗi dịp đất nước ta chuẩn bị tổ chức những sự kiện lớn là lúc các thế lực thù địch, phản động trong nước và ngoài nước lại tăng cường câu kết với các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị ra sức chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta với nhiều âm mưu, thủ đoạn tinh vi, nham hiểm. Gần đây trước thềm Đại hội XII của Đảng, sự chống phá này ngày càng diễn biến phức tạp.
Những thủ đoạn quen thuộc thường được bọn chúng sử dụng là lợi dụng mạng xã hội như facebook, blog cá nhân… để tung tin xấu độc, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; vu cáo, bịa đặt, bôi nhọ hình ảnh các đồng chí lãnh đạo cấp cao và các đồng chí là nhân sự cho Đại hội; chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân và quân đội. Chúng dùng rất nhiều thủ đoạn có khi là bôi nhọ, khi lại khen đồng chí này công kích đồng chí khác và núp dưới cái bóng là người yêu nước để nói xấu… làm rối loạn, khiến chúng ta mất tập trung và làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Để ngăn chặn những thông tin trái chiều từ các thế lực thù địch, cần có sự vào cuộc quyết liệt từ các cơ quan truyền thông, báo chí. Tăng cường tuyên truyền sâu rộng tới các tầng lớp xã hội để mọi người dân Việt Nam, mọi tổ chức chính trị, xã hội đều nhận thức được những âm mưu, thủ đoạn của các phần tử phản động.
Đồng thời cơ quan chức năng cũng cần siết chặt quản lý, không cho đăng tải những thông tin không chính thống, vu cáo, bịa đặt, nói xấu Đảng, Nhà nước lên mạng xã hội và xử lý thật nghiêm những đối tượng đăng tải nội dung đó. Còn về phía mỗi cá nhân, đặc biệt là giới trẻ khi tham gia sử dụng mạng xã hội cần phải tỉnh táo và biết sàng lọc thông tin, chỉ đọc thông tin ở những trang chính thống, đã được Nhà nước cấp phép.
Ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông:
Công khai, minh bạch góp phần chống thông tin “nhiễu”
Đã trở thành chu kỳ, cứ gần đến Đại hội, Đảng ta thay đổi nhân sự thì mỗi người có mong muốn nhân sự khác nhau sẽ nói khác nhau. Đó cũng là chuyện bình thường của cuộc đời. Nhưng, việc đưa thông tin mạo danh, bịa đặt, xuyên tạc đối với cán bộ cấp cao của Đảng, gây “nhiễu” thông tin trên các mạng xã hội thì cần phải được ngăn chặn kịp thời. Theo tôi, có 3 cách để xử lý:
Thứ nhất, hãy tạo cơ chế để cán bộ tự bảo vệ mình. Các nước tư bản người ta tranh cử nên họ tự bảo vệ, bởi khi cử tri hỏi cái gì họ sẽ giải trình vấn đề đó. Với chúng ta cũng cần có những bước đi thích hợp, trong thời đại công nghệ thông tin, trước hết mỗi cán bộ cần công khai số điện thoại di động và hộp thư điện tử (e-mail). Chúng ta hãy sử dụng công cụ đó để lãnh đạo, quản lý và giải trình những vấn đề mà người dân quan tâm. Nhân dân nói gì, hỏi gì thì người cán bộ đó sẽ trả lời. Người dân góp ý cái này, phản ảnh cái kia để mình nghe thông tin mà làm. Tất nhiên, quá trình đó có thông tin “nhiễu”, nhưng phần đông vẫn là người tốt nhiều hơn, có ích nhiều hơn.
Thứ hai, cơ quan quản lý cán bộ phải làm việc này. Bởi người ta nói về cán bộ như thế, cơ quan phải có kết luận cụ thể, thông tin rõ ràng. Nếu cán bộ của Đảng quản lý thì đưa lên website của Đảng; cán bộ Chính phủ quản lý thì đưa lên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ; cán bộ các bộ, ngành Trung ương thì đưa lên Cổng Thông tin điện tử các bộ, ngành đó; cán bộ tỉnh, thành phố thì đưa lên Cổng Thông tin điện tử của địa phương, cho nhân dân được biết.
Trên nền tảng quản lý đó, cái gì đúng thì chúng ta tiếp thu, cầu thị. Cái gì sai, phải đấu tranh phản bác với nguyên tắc là thông tin đưa ra ở đâu thì sẽ trả lại ở đó. Nói có tình, có lý, có sức thuyết phục, không phải phê phán mà là góp ý xây dựng giàu tình người và sức thuyết phục cao hơn. Làm như thế thì thông tin thông thoáng, nhân dân sẽ tin hơn và những thế lực thù địch muốn “vận dụng” để xuyên tạc, mạo danh, nói xấu cũng khó vì mình tôn trọng lòng dân và làm chủ thông tin.
Khi chúng ta thông thoáng như thế thì ít bị tích tụ, bóp méo, xuyên tạc. Bởi theo tôi, sợ nhất trong việc làm công tác cán bộ là thiếu thông tin và “nhiễu” thông tin. Bởi thiếu thông tin thì dễ suy diễn, dị nghị gây “nhiễu” thông tin. Vì thế, chúng ta phải chăm lo công tác thông tin đối với cán bộ nghiêm túc, chu đáo, kịp thời.
Thứ ba, tiếp tục hoàn chỉnh luật pháp để quản lý chặt chẽ hơn. Người tốt được tin cậy, người không tốt bị giám sát. Người tốt có chỗ dựa, người xấu không dám lộng hành. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý mạng xã hội; nghiên cứu học hỏi các nước tiên tiến trên thế giới để có giải pháp quản lý tốt hơn. Lấy đó làm cơ sở bồi dưỡng, định hướng, nâng cao nhận thức cho mọi công dân để người dân biết và tự phòng vệ, sàng lọc thông tin: Cái đúng có logic của cái đúng, cái sai sẽ dễ nhận thấy ngay sự thiếu căn cứ, ngụy biện của cái sai.
Tôi xin nêu một ví dụ, cách đây gần 30 năm khi còn làm Phó bí thư Thành ủy thành phố Vinh (Nghệ An), chuẩn bị Đại hội Đảng, một đồng chí Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy bị dư luận xã hội cho rằng có biểu hiện đa nguyên. Ngay đêm đó, chúng tôi họp Thường vụ Thành ủy, giao Ban Tổ chức nhận xét cán bộ rõ ràng để Thành ủy thông qua, in văn bản, sáng hôm sau phát cho các đại biểu tham dự Đại hội. Chiều bầu Ban Thường vụ, đồng chí đó vẫn trúng cử với tín nhiệm rất cao.
Tôi tin rằng với cách làm trên, cán bộ yên tâm làm việc, nhân dân tin tưởng vào cách làm minh bạch, nghiêm túc của Đảng và Nhà nước.
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về văn hóa - xã hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam:
Xử lý nghiêm minh những kẻ tung tin xuyên tạc, sai sự thật
Tôi cho rằng, bài đăng trên Báo Quân đội nhân dân đã phân tích cặn kẽ, thấu đáo, chính xác và vạch trần âm mưu, thủ đoạn đen tối của kẻ xấu và các thế lực thù địch hòng chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trước thềm Đại hội XII của Đảng.
Đảng và Nhà nước ta không hề che giấu khuyết điểm của mình. Trong nhiều văn kiện của Đảng, đặc biệt là trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) Đảng ta đã chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm của mình. Trong Dự thảo báo cáo chính trị lần này cũng nêu công khai trước toàn Đảng, toàn dân những khuyết điểm, thiếu sót đó. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã và đang đấu tranh mạnh mẽ để ngăn chặn, đẩy lùi những ung nhọt làm giảm niềm tin của nhân dân.
Đặc biệt, trong Dự thảo văn kiện lần này, Đảng ta nhấn mạnh: Đảng tôn trọng các ý kiến khác nhau, khuyến khích mọi người tham gia đóng góp xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch. Với nhiệt huyết xây dựng Đảng và Nhà nước, đã có hàng vạn ý kiến của mọi tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo đã được MTTQ Việt Nam gửi đến tiểu ban văn kiện của Đại hội, và đã được tiểu ban tiếp thu, bổ sung vào văn kiện.
Tuy nhiên, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta không chấp nhận các ý kiến trái với lợi ích chung của dân tộc, trái với đường lối của Đảng, có hại cho sự đoàn kết trong Đảng và trong dân. Những hành vi xuyên tạc, bôi nhọ chế độ, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước ta, gây chia rẽ trong nội bộ Đảng, gây hoang mang trong nhân dân, chúng ta cương quyết bác bỏ và lên án những ý đồ đen tối đó. Coi đây là loại tội phạm cần phải xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.
Những thông tin này nếu không được sự định hướng kịp thời; sự đấu tranh phản bác của các cơ quan báo chí; sự tuyên truyền, định hướng của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể thì rất nguy hiểm; sẽ gây ra sự hoài nghi, mất đoàn kết trong nội bộ Đảng, sự hoang mang trong các tầng lớp nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên và từng người dân phải bình tĩnh, tỉnh táo trước thông tin xấu độc.
Các cơ quan thông tấn, báo chí phải vào cuộc một cách mạnh mẽ hơn nữa, vạch trần âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch làm cho nhân dân ta hiểu rõ sự thật. Đặc biệt là giúp cho các đại biểu tham dự Đại hội XII nắm chắc từng đồng chí được Trung ương giới thiệu tham gia ứng cử kỳ này. Đối với các cơ quan an ninh, làm tốt hơn nữa việc chủ động ngăn chặn "làn gió độc" đó đang tìm mọi cách len lỏi vào nội bộ Đảng và các tầng lớp nhân dân. Cần nghiêm trị bọn đồng lõa trong nước, nhất là những kẻ tung tài liệu phản động.
PGS, TS Trần Thị Anh Đào, Trưởng khoa Xây dựng Đảng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền):
Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng cho giới trẻ
Cuộc đấu tranh chống những thông tin xấu, độc diễn ra thường xuyên, liên tục. Bởi các thế lực thù địch luôn tìm cách bôi nhọ, xuyên tạc, nói xấu Đảng, Nhà nước. Trước những sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, hoạt động này càng tăng cường nhằm mục đích chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ nội bộ Đảng, chia rẽ Đảng với nhân dân.
Trước thềm Đại hội XII của Đảng, trên tin nhắn điện thoại, mạng xã hội xuất hiện một số thông tin bịa đặt, nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, gây hoang mang trong quần chúng. Đối tượng sinh viên thường xuyên tiếp xúc với mạng xã hội, rất dễ bị dao động trước những thông tin trên. Nếu như không có tư tưởng, lập trường quan điểm chính trị rõ ràng thì các đối tượng xấu sẽ lợi dụng để thực hiện mưu đồ chống phá đất nước ta.
Theo tôi, giải pháp đầu tiên để ngăn chặn vấn đề này phải tăng cường giáo dục về chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, vững tin vào lý tưởng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã chọn. Tuyên truyền để nhân dân hiểu, làm thất bại sự tấn công của những thế lực thù địch.
Về mặt truyền thông, tuyên truyền phải tăng cường định hướng tư tưởng, vạch rõ âm mưu thủ đoạn bôi nhọ, xuyên tạc của những thế lực xấu. Việc tăng cường giáo dục tư tưởng chính trị cho giới trẻ cũng rất quan trọng. Cần giúp giới trẻ biết chọn lọc thông tin trên mạng xã hội, định hướng cho thế hệ trẻ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào đường lối nói chung, công tác tổ chức cán bộ nói riêng của Đảng ta. Qua đó, chắc chắn những âm mưu, thủ đoạn “tung hỏa mù” của kẻ xấu sẽ bị thất bại.
/Theo Quân đội Nhân dân/
*Tiêu đề bài viết do Tuần Việt Nam đặt lại./(VNN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét