Tại sao TBT Nguyễn Phú Trọng thay đổi lập trường về Biển Đông?


Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Lệ thuộc hoàn toàn vào TQ
Sự việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào sâu lãnh hải thuộc vùng kinh tế đặc quyền của Việt nam đến nay đã tròn hai tháng, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm và cho thấy một lối thoát. Cho dù hành động này của phía Trung Quốc được dư luận coi đây là một hành động có chủ ý, với mục đích được sử dụng như một nước cờ chính trị nhằm tạo tiền lệ cho những bước lấn chiếm khác trong việc độc chiếm Biển Đông trong yêu sách Đường lưỡi Bò 9 đoạn của họ.


Trong bối cảnh từ sau Hội nghị Thành Đô năm 1990 đánh dấu sự bình thường hóa trong quan hệ giữa Việt nam và Trung Quốc, kể từ đó Việt Nam đã hầu như lệ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc về mọi mặt, kể cả kinh tế và chính trị. Nói như cố Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch thì đây là một thời kỳ Bắc thuộc mới đối với Đảng CSVN. Đáng chú ý, trong lúc này Việt Nam đang đối mặt với sự suy thoái về kinh tế và sự kiện giàn khoan HD-981 xảy ra vào lúc Việt nam hoàn toàn cô độc, không có một đồng minh nào về chính trị và quân sự. Về phía lãnh đạo Trung Quốc thì đã quá biết rõ rằng Đảng CSVN không thể rời bỏ chỗ dựa an toàn là người đồng chí có cùng ý thức hệ Trung Quốc, vì chỉ có gắn chặt vào Trung Quốc như thế thì mới có thể duy trì sự tồn tại của Đảng và chế độ với những đặc quyền đặc lợi quá lớn.

Các phản ứng của phía Việt nam trong 02 tháng vừa qua được dư luận chung đánh giá là quá mềm mỏng, nhũn nhặn, điều đó được coi là phù hợp với xu thế giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, nhằm để giải quyết tranh chấp với Trung Quốc tránh xung đột. Với phản ứng chiếu lệ nếu không nói là yếu hèn của các tàu chấp pháp thuộc các lực lượng Cảnh Sát Biển, Kiểm ngư... của Việt nam đối với các lực lượng tàu thuyền của Trung Quốc, cũng như các phản ứng và các lời tuyên bố yếu ớt và không thống nhất theo lối "Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" của lãnh đạo cấp cao Việt nam cũng đã khiến không ít người nghi ngờ về lập trường của Việt nam trong vấn đề Biển Đông. Đành rằng các phát biểu hay hành động của các lãnh đạo cao cấp trong mỗi thời điểm nhạy cảm là một vấn đề, thông qua các lời tuyên bố, các hành động của một vài lãnh đạo cao cấp thì dư luận cũng như người dân một quốc gia cũng có thể suy đoán được thái độ của chính quyền trong vấn đề đó. Điều đó đòi hỏi các lãnh đạo cao cấp cần phải kiệm lời và thận trọng trong các phát ngôn, hành động. Tuy nhiên tất cả các phát ngôn hay hành động đó của tập thể lãnh đạo phải hướng về một phía với sự nhất trí cao. Song dư luận trong thời gian qua đã cho thấy hoàn toàn không chấp nhận và nghi ngờ sự im lặng của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, người giữ cương vị cao nhất trong bộ máy Đảng, Nhà nước và chính quyền.

Đó là lý do vì sao, khi ngày 01.7.2014 các tin tức của truyền thông nhà nước cho biết về một số hoạt động cũng như phát biểu mang tính tích cực của lãnh đạo Đảng và cơ quan Chính phủ liên quan đến vấn đề quan hệ Việt - Trung. Đây là những động thái đáng lưu ý, được đánh giá là những dấu hiệu tích cực của phía Việt nam trong vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo trong lúc phía Trung Quốc ngày càng tỏ ra ngạo mạn bất chấp luật pháp quốc tế. Theo đó, phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ (Hà Nội) sáng 1-7,  đây là lần đầu tiên kể từ khi xảy ra sự kiện giàn khoan HD-981 Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã tuyên bố một cách công khai khi khẳng định rằng "Việt Nam cần phải gìn giữ hữu nghị với Trung Quốc nhưng đồng thời cũng phải giữ vững được chủ quyền" . Đáng lưu ý khi nói về vấn đề Hoàng sa, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh rằng “Trung Quốc có ý đồ muốn hiện thực hóa đường “lưỡi bò”, độc chiếm biển Đông, muốn khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc. Ta nói rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Hoàng Sa thì trên thực tế Trung Quốc đang chiếm giữ, họ đã hai lần đánh chiếm Hoàng Sa và lần gần nhất là năm 1974 khi chúng ta chưa giải phóng miền Nam. Chúng ta tiếp tục khẳng định chủ quyền, đấu tranh để lấy lại Hoàng Sa”. Không chỉ thế, ông Tổng Bí Thư còn thẳng thắn đề cập đến vấn đề xấu nhất trong quan hệ Viêt - Trung có thể xảy ra, ông nói rằng “Có người hỏi nhỡ xảy ra chiến tranh thì sao? Thì chúng ta phải chuẩn bị tất cả mọi khả năng. Chúng ta mong chiến tranh không xảy ra và cố gắng làm cho nó đừng xảy ra”. Đây là một động thái hoàn toàn không bình thường.

Ngầm chuyển tín hiệu

Đáng lưu ý, động thái này của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng xảy ra cùng ngày với việc  tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6. Tại cuộc họp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giao các cơ quan liên quan củng cố hồ sơ pháp lý Kiện Trung Quốc để báo cáo lãnh đạo Đảng, Nhà nước xem xét cân nhắc việc đấu tranh pháp lý về Biển Đông. Được biết cũng tại Hội nghị này Thủ tướng Việt Nam khẳng định Trung Quốc đã bất chấp đạo lý, pháp lý và quan hệ song phương khi hạ đặt giàn khoan HD981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh hành động này của TQ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Và không chỉ thế Chính phủ Việt Nam cho biết đã chuẩn bị cho "tình huống xấu" nhất với Trung Quốc. Những động thái nói trên cho thấy quan hệ Việt nam - Trung Quốc đã một lần nữa lại xấu đi, khác trước là các phản ứng của các nhà lãnh đạo Việt nam đã cho thấy họ đã tìm được một tiếng nói chung.


TBT Nguyễn Phú Trọng gặp Ủy Viên Quốc Vụ TQ Dương Khiết Trì tại Hà Nội chiều 18/6/2014.

Hành động của ông Tổng Bí Thư đã được coi là ông Nguyễn Phú Trọng đã ngầm chuyển tín hiệu bày tỏ sự đồng thuận của mình với Chính phủ trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông của Việt nam. Đây là bước đột phá mới và điều đó trái với các đánh giá nhận định từ trước đến nay của dư luận trong và ngoài nước cho rằng Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng là một nhân vật đứng đầu phe giáo điều bảo thủ và có xu hướng thân Trung Quốc, người luôn có tư tưởng ủng hộ bảo vệ đại cục trong mối quan quan hệ Việt nam - Trung Quốc. Hành động này của ông Nguyễn Phú Trọng thể hiện sự xích lại gần nhau về quan điểm giữa các nhà lãnh đạo Việt nam trong Bộ Chính trị, điều mà các ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang... đã từng lên tiếng trong những ngày trước đó với các nội dung tương tự.

Vấn đề đặt ra là: "Vì sao ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng lại có sự thay đổi quan điểm một cách bất ngờ như vậy và sự xích lại gần nhau về lập trường - quan điểm giữa hai phe "Cải cách" của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phe "Bảo thủ - thân Trung Quốc" của  Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng có là tín hiệu mới để chuyển tải thông điệp Thoát Trung hay không?"

Nếu theo dõi diễn biến về quan điểm và lập trường của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng về vấn đề Biển Đông trong thời gian gần đây, sẽ thấy ông Tổng Bí Thư nay đã tỏ ra quan tâm hơn tới vấn đề Biển Đông thay cho việc phát biểu vô trách nhiệm hoặc sự im lặng đáng ngờ như trước đây không lâu. Gần đây, trong buổi tiếp Ủy viên Quốc vụ Viện Dương Khiết Trì trong tháng 6.2014 ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã từng tuyên bố về tính nghiêm trọng và tác động rất tiêu cực của việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 tại vùng biển của Việt Nam từ đầu tháng 5.2014 đến nay đối với Việt Nam, điều đó đã ảnh hưởng đến cục diện quan hệ Việt-Trung và tình hình khu vực. Và mới đây, ngày 01.7.2014 Tổng Bí Thư đã khẳng định lập trường về chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và trên Biển Đông là trước sau không thể thay đổi. Ông Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định "Đấu tranh với Trung Quốc là việc lâu dài, chúng ta làm sao phải khẳng định được chủ quyền để lấy lại Hoàng Sa.".

Phải chăng sự thay đổi đột ngột này là kết quả của sự tỉnh ngộ của ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng sau khi bị Chủ tịch Trung Quốc đã từ chối tiếp, khi trong tháng 5.2014 ông Nguyễn Phú Trọng nhiều lần đề nghị được tiếp kiến để bàn thảo về vấn đề giàn khoan HD-981? Đây là điều mà các nhà bình luận và phân tích chính trị cho rằng đã đến lúc phe bảo thủ thân Trung Quốc trong nội bộ Đảng CSVN đã bị Bắc Kinh coi rẻ và không thèm đếm xỉa tới nữa. Vì Trung Quốc từ xưa đến nay - nhất là từ sau Hội nghị Thành đô đã nắm được tử huyệt của ban lãnh đạo Đảng CSVN. Đó là trước hay sau thì ban lãnh đạo Việt nam sẽ không bao giờ dám nghĩ đến việc thoát Trung, bởi ngoài Trung Quốc ra thì không có một chỗ dựa nào khác dành cho họ.

Tuy nhiên một trong những lý do khiến ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng buộc phải thay đổi quan điểm được đánh giá cao, đó là mâu thuẫn giữa các phe phái trong nội bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng CSVN ngày càng trầm trọng. Được biết, trong buổi tiếp xúc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Hồ Chí Minh, của Chủ tịch Nước ông Trương Tấn Sang,  ông Lê Kế Lâm chuẩn đô đốc hải quân Việt Nam đã đưa ra thông tin là Trung Quốc sẽ dùng 20 tỷ đô la Viện trợ Phát triển Chính thức (ODA) và 100 tỷ đô la tín dụng để mua chuộc Chính phủ Việt Nam. Đến nay thông tin này chưa được kiểm chứng, song một thông tin tày đình như vậy được đưa ra bởi một sỹ quan quân đội cao cấp trong một cuộc họp của người đứng đầu Nhà nước - Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang thì cơ sở tin cậy của nguồn tin này là khá cao. Đây phải chăng là một trong những lý do có sự thay đổi lập trường của ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng?

Quan trọng hơn, từ đầu năm 2014 trở lại đây trở lại đây có nhiều dấu hiệu cho thấy phe của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang ở thế thượng phong và khuynh loát. Nhiều dấu hiệu cho thấy ông Nguyễn Tấn Dũng đang nắm số đông trong Bộ Chính trị và đa số trong Ban Chấp hành TW. Với bằng chứng rõ ràng nhất là trong thông điệp đầu năm mới 2014 của mình, ông Dũng đã không ngại ngần đề cập tới vấn đề cải cách thể chế chính trị đúng vào ngày Bản Hiến pháp 1992 Sửa đổi năm 2013 chính thức có hiệu lực. Điều đó xảy ra vào lúc chỉ còn hơn một năm Đại hội Đảng khóa XII sẽ khai mạc, mà đây là lúc quyền lực giữa các phe phái trong Đảng sẽ được thỏa thuận làm cơ sở để chia chác quyền lực. Đó là mục tiêu cuối cùng của các phe phái trong Đảng CSVN đang hướng tới để làm sao chiếm được ưu thế trong Đại hội 12 sẽ diễn ra năm 2016. Và từ nay đến lúc khai mạc Đại hội Đảng khóa XII thì các quyết định liên quan đến chính sách đối nội và đối ngoại, đặc biệt là vấn đề Biển Đông sẽ có thay đổi gì không? Đây là vấn đề sống còn giữa các phe phái, vả lại thời gian cũng còn quá ít nếu vào lúc này ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng không quyết tâm thay đổi thì chắc chắn sẽ lãnh thất bại. Điều đó đồng nghĩa với việc ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng phải thay đổi cho phù hợp và để duy trì sự tồn tại của bản thân và phe nhóm. Chứ sự thay đổi về lập trường trong vấn đề quan hệ Việt - Trung hoàn toàn là hành động mang tính chiến thuật để lôi kéo dư luận trong và ngoài Đảng, chứ không vì mục đích phục vụ cho lợi ích của dân tộc hay của đất nước.

Về lâu dài trong vấn đề quan hệ giữa hai đảng Cộng sản Việt nam và Trung Quốc mãi mãi sẽ vẫn là lợi ích cốt lõi, nhưng nó sẽ được che dấu một cách tinh vi và khéo léo hơn. Mà công văn của Bộ Ngoại giao Việt nam gửi cho các ban, ngành và một số tỉnh, thành phố về "Các việc cần làm" sau chuyến thăm Việt Nam hồi tháng Tư của Bí thư Tỉnh ủy Hồ Xuân Hoa, người lãnh đạo cao nhất của tỉnh Quảng Đông là một ví dụ điển hình về quan hệ giữa hai người vừa là đồng chí, vừa là thù địch này. Văn bản này, được phát đi chỉ một tháng sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào vùng biển mà Việt Nam tuyên bố là thuộc chủ quyền của mình, điều đó đã và gây căng thẳng rất nghiêm trọng trong quan hệ giữa hai nước là điều không bình thường. Không chỉ thế, theo Tạp chí Xây Dựng Đảng nà 26-6-14 cho biết một đoàn cán bộ Ban Tổ chức Trung ương sẽ sang nghiên cứu về công tác xây dựng đảng tại Trung Quốc từ ngày 15-6 đến 24-6-2014. Nói như thế để thấy quan hệ giữa hai Đảng CS Việt nam và Trung Quốc chỉ là vấn đề bằng lòng mà không bằng mặt, hay nói một cách khác là hình như hai Đảng, hai chính quyền của Việt nam và Trung Quốc đang diễn trò để hợp thức hóa sự có mặt của các giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt nam. Với phương châm để lâu cứt Trâu hóa bùn. Nếu đúng như thế thì là điều cực kỳ nguy hiểm.

Điều đó cho thấy mọi hy vọng sẽ có sự chuyển hướng ngoại giao thân phương Tây hơn để Thoát Trung của chính quyền Việt nam trong thời gian tới chỉ là sự vô vọng và viển vông. Vì chả bao giờ những người (mang danh) cộng sản lại đoạn tuyệt với những người đồng chí "kẻ thù" có cùng ý thức hệ để ngả theo bọn đế quốc, nếu không tiến hành cải cách thể chế chính trị một cách triệt để và toàn diện.


Ngày 02 tháng 7 năm 2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét