Chủ tịch nước Trương
Tấn Sang
Ngài chủ tịch kính mến!
Mặc dù đã được nghe lời cảnh báo "đừng nghe những gì
cộng sản nói, hãy nhìn những gì cộng sản làm" lại kèm vài chục năm trải
nghiệm nhưng éo le thay tôi vẫn rất thích các câu nói của ngài. Thổ lộ đó cũng
là lời giới thiệu để ngài thấy cái lý do "thấy người sang bắt quàng làm họ"
của tôi cũng chẳng đến nỗi nào. Quả thật ngài nói hay và khéo như "mật rót
tai". Nhưng quan trọng hơn là đúng lúc, đúng chỗ tựa như trận mưa rào cho
cánh đồng hạn, tấm chiếu manh cho kẻ đang buồn ngủ,...
Chẳng hạn khi tham nhũng tràn lan, phổ biến, trầm trọng từ
mức "ăn của dân không chừa một thứ gì" tới Vinashin gây thất thoát 86
nghìn tỉ VND tương đương 86 tấn vàng (gấp hơn 5 lần số vàng mà chính quyền cộng
sản vu cho ông Thiệu ăn cắp hồi 1975) khiến dân tình bức xúc vô cùng; Đúng lúc ấy
thì ngài ví von, lên giọng cảnh báo "Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi
canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như
vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một
con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là 'chết' cái đất nước này".
Biết người chống tham nhũng sợ bị trù úm, trả thù, ngài
trấn an, khuyến khích "Chúng tôi hiểu tình hình trù úm người tố cáo là rất
ghê gớm. Nhưng vì sợ bị trù úm mà chúng ta không tố cáo thì đất nước này sẽ thế
nào? Người ta có thể trú úm một người, một nhóm người nhưng không thể trù úm cả
dân tộc này”.
Vào lúc báo chí phanh phui những biệt thự hoành tráng, đắt
tiền của hàng loạt các quan chức cao cấp thì ngài ý nhị so sánh chúng với tài sản
của mình qua dòng tâm sự “Khi
thấy mình nhu nhược, thì tôi sẽ làm đơn xin nghỉ, thậm chí về quê, trả lại nhà
cho đảng, nhà tôi nhỏ thôi, chỉ 51 mét vuông, khi về hưu tôi sẽ không lấy một
mét đất nào”.
Năm 2012 nhân kỷ niệm ngày Quốc khánh ngài đã dạy cho thế
hệ trẻ những bài học nhớ đời "Tự
hào với những gì đã làm được, nhưng chúng ta cũng cần phải biết hổ thẹn với tiền
nhân, với những bậc tiên liệt về những yếu kém, khuyết điểm của mình đã cản trở
bước đi lên của dân tộc".
Cứ như vậy tùy từng thời gian, địa điểm, đối tượng các
câu nói của ngài khi hùng hồn đanh thép, khi như mật ngọt, lúc lại thủ thỉ thật
thà khiến tôi cùng khối kẻ nữa trở thành "fan của chúng" lúc nào
không hay. Và mặc dư luận cho rằng các câu nói đó là để PR bản thân nhằm ghế
cho đại hội tới, mặc các lời đồn thổi thế này thế nọ về ngài tôi vẫn "kiên
định" và không ngừng hâm mộ chúng. "Bộ sưu tập các câu nói hay của
ngài" của tôi theo thời gian cứ mỗi ngày một dày lên.
Mùa thu năm nay nhân kỷ niệm 69 năm ngày quốc khánh, 45
năm di chúc Hồ Chủ Tịch ngài lại tiếp tục có bài viết cho tạp chí cộng sản nhan
đề "Vì nền độc lập tự do của đất nước, vì sự toàn vẹn lãnh thổ thiêng
liêng của tổ quốc, xứng đáng với sự tin cậy ủy thác của nhân dân". Tôi đã
đọc toàn bài viết và thấy đáng chú ý hơn cả là hai câu "Chúng ta không sợ bất cứ một
thế lực nào, dù là hung bạo nhất. Chúng ta chỉ sợ nhân dân mất niềm tin vào Đảng,
Nhà nước, chế độ ta". Hai câu trên có thể ghép thành một câu. Na
ná câu của Hồ Nguyên Trừng trả lời vua Hồ Quý Ly trong hội nghị bàn kế chống
quân Minh "Thần không ngại đánh, chỉ sợ lòng dân không theo mà thôi"
với ý nghĩa đề cao sức mạnh của lòng dân. Và nó lại được ngài đưa ra đúng vào
thời điểm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam đang bị Trung Quốc đe dọa
nghiêm trọng.
Ngay lập tức đã xuất hiện nhiều bài bình luận với các
tiêu đề "chỉ sợ nhân dân mất niềm tin vào đảng", "nỗi sợ của chủ
tịch Sang là có căn cứ", "nỗi sợ muộn màng của ông Trương Tấn
Sang",... Đang định đưa nó vào "bộ sưu tập" chợt thấy có điều muốn
trao đổi để làm rõ thêm về một số từ ngài dùng và ý nghĩa của câu nói.
Vì ngài thay mặt đảng, nhà nước nói với nhân dân hai câu
trên nên từ "chúng ta" trong đó đóng vai trò chủ ngữ chỉ có hai khả
năng: hoặc chỉ "đảng và nhân dân", hoặc chỉ đảng. Khả năng đầu tiên
"chúng ta" chỉ "đảng và dân". Nghĩa là ngoài đảng ra, ngài
cho rằng: dân chúng tôi cũng sợ "chúng tôi không tin vào đảng". Thưa
ngài! Khi đã không tin thì chúng tôi chỉ thấy chán ghét muốn thay và nếu sợ chỉ
là sợ không muốn gần như "sợ hủi", hay sợ sự trơ lỳ, giả dối, tàn bạo
của các ngài mà thôi. Kiểu "cho rằng" này rất giống với kiểu cho rằng
"nhân dân Việt Nam không chấp nhận đa nguyên đa đảng" mà các ngài thường
dùng. Với khả năng thứ hai lẽ ra phải dùng từ "chúng tôi" nhưng ngài
lại dùng từ "chúng ta" nghĩa là ngài muốn dân chúng tôi phải chịu
chung nỗi sợ với các ngài. Vẫn là kiểu nói thay, áp đặt như khả năng đầu tiên.
Như vậy việc dùng từ "chúng ta" trong hai câu trên của ngài là không ổn.
Hai câu nói trên phải là: "Đảng không sợ bất cứ một thế lực nào dù là hung
bạo nhất. Đảng chỉ sợ nhân dân mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước, chế độ
ta". Có thể là trong thâm tâm ngài cũng muốn nói như thế nhưng vì bản tính
khéo léo cộng với thói quen thích nói thay nên ngài buộc phải nói như thế.
Nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì chủ ngữ của hai câu trên cũng không thể thiếu
"đảng".
Đồng ý với ngài là đảng có sợ "dân không tin"
thật. Vì bao năm qua các ngài đã cố tình bưng bít sự thật, cấm đoán tự do ngôn
luận với mục đích là giữ "uy tín" cho đảng, giữ niềm tin của nhân dân
với chế độ. Nhưng là "nỗi sợ nhất" thì chưa chắc. Một thực tế không
thể phủ nhận hiện nay là lòng tin của dân vào đảng, chế độ đã giảm sút nghiêm
trọng. Nguyên nhân như chính các báo "lề đảng" chỉ ra là "quản
lý yếu kém", để "tham nhũng tràn lan", "chống tham nhũng
không hiệu quả", "cán bộ, đảng viên công chức, quan chức của đảng
không gương mẫu, hy sinh vì dân, mà lại làm hại cho dân",...
Theo tôi còn có một nguyên nhân quan trọng nữa là đảng
không tin dân.
Vì không tin dân nên đảng khư khư giữ lại điều 4 trong hiến
pháp.
Vì không tin dân nên đảng bắt quân đội trước tiên phải
trung thành với đảng sau đó mới đến nhân dân.
Vì không tin dân nên đảng kiểm soát hầu như mọi tổ chức
xã hội.
Vì không tin dân nên đảng hạn chế, cấm đoán các quyền tự
do cơ bản của con người mà đảng đã cam kết thực thi trước cộng đồng quốc tế.
Vì không tin dân nên đảng ngăn cấm mọi tiếng nói phản biện
của các tầng lớp trí thức.
Vì không tin dân nên đảng duy trì một đội ngũ công an khổng
lồ và dạy họ chỉ biết còn đảng còn mình...
Các nguyên nhân trên đều là chủ quan mà tự đảng phải khắc
phục. Nhưng thực trạng đất nước những năm qua cho thấy đảng của ngài dù sợ
"dân không tin" nhưng vẫn chưa thiết tha gì tới việc "lấy lại".
Lý do: ngại đụng chạm tới "nỗi sợ nhất". Nỗi sợ mất những đặc quyền đặc
lợi dành cho các đảng viên từ cao tới thấp mà chỉ ở một chế độ độc tài độc đảng
mới có. Thiết tha còn khó lấy lại huống chi là không thiết tha và hy vọng
"lấy lại được niềm tin của dân với đảng" chỉ là viển vông.
Không có niềm tin của dân thì lấy đâu chỗ dựa, không có
chỗ dựa thì phải dựa vào ngoại bang để tồn tại. Một lý do thuyết phục để giải
thích "triều đại cộng sản" của ngài là hèn hạ nhất với ngoại bang từ
xưa tới nay. Ngài cũng chẳng cần phải lo bị quở trách dẫn tới "mất ghế"
khi tuyên bố "không sợ bất kỳ ai" vì ông bạn "4 tốt chữ
vàng" hung bạo biết tỏng đấy chỉ là lời phét lác với dân còn với họ đảng của
ông trước sau vẫn một mực nhũn nhặn như con chi chi.
Hai câu của ngài có thể ghép thành một mệnh đề. Trong
toán học gọi là mệnh đề nhân quả hay mệnh đề kéo theo. Nó gồm hai phần nguyên
nhân hay giả thiết và kết quả hay kết luận. Nó chỉ sai trong trường hợp giả thiết
đúng còn kết luận sai, nên nếu giả thiết sai thì dù kết luận thế nào nó vẫn
đúng. Các mệnh đề kiểu này đã từng thấy trong các câu ca dao:
“Bao giờ trạch đẻ ngọn đa
sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình.
Bao giờ rau diếp làm đình
gỗ lim làm ghém thì mình lấy ta”.
Hay câu “Ta chỉ uống nước biển thôi, các người hãy rẽ hết
nước sông ra khỏi biển thì ta sẽ uống cạn nước biển” của người nô lệ thông minh
Edop mách cho ông chủ là triết gia Xantuyt để nói với người bạn trong vở kịch
“Con cáo và chùm nho”. Hai câu của ngài thuộc kiểu trên và hẳn ngài phải rõ hơn
hết. Chúng có nhiệm vụ phét lác cho đảng, đánh bóng cho bản thân ngài, lừa mị
nhân dân. Suy ra toàn bộ các câu trong “bộ sưu tập...” của tôi cũng vậy. Bởi thế
cho nên tôi đã vứt nó vào thùng rác và “rút tên” khỏi “danh sách fan hâm mộ”.
Chào tạm biệt ngài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét