Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng hôm nay 15/11/2014 đã được
tăng cường thêm sức mạnh khi nhận được số phiếu tín nhiệm khá cao của các đại
biểu Quốc hội. Theo AFP, đây là một sự khởi sắc tương đối ngoạn mục so với năm
ngoái, ông chỉ được lượng phiếu tín nhiệm rất thấp.
Ông Nguyễn Tấn Dũng được gần 65% phiếu tín nhiệm của các đại
biểu Quốc hội - REUTERS /Kham
Khoảng 320/484 đại biểu đã bỏ phiếu « tín nhiệm cao » cho
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, chiếm tỉ lệ 64,39%. Đây là một sự tương phản lớn lao
so với năm ngoái, khi đến một phần ba trong Quốc hội chỉ « tín nhiệm thấp » đối
với sự lãnh đạo của ông Dũng. Còn lần này, chỉ có 68 đại biểu bỏ phiếu « tín
nhiệm thấp » cho Thủ tướng.
Việc bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo, được tiến
hành lần đầu tiên vào năm 2013, là một nỗ lực của các nhà cai trị Việt Nam, nhằm
xoa dịu các bất bình ngày càng tăng của dân chúng trước tình trạng thiếu trách
nhiệm và tham nhũng. Các đại biểu có thể bỏ phiếu « tín nhiệm thấp » « tín nhiệm
» và « tín nhiệm cao » cho 50 chức danh lãnh đạo hàng đầu, trong đó có Thủ tướng,
Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội.
Theo báo chí nhà nước, quan chức nào nhận được trên 50% phiếu
« tín nhiệm thấp » trong hai năm liên tiếp có thể bị yêu cầu từ chức. Nhưng cả
năm nay lẫn năm ngoái, tất cả các lãnh đạo phải đối mặt với việc bỏ phiếu tín
nhiệm đều xoay sở để có được số phiểu ủng hộ cần thiết, nhằm tránh né các biện
pháp kỷ luật trong tương lai.
Năm nay, người chiếm được số phiếu cao nhất là Chủ tịch nước
Trương Tấn Sang, với 380 phiếu « tín nhiệm cao » (76,46%). Bộ trưởng Y tế Nguyễn
Thị Kim Tiến, bị chỉ trích dữ dội do nhiều vụ tai tiếng trong ngành y tế, là
quan chức bị mất lòng dân nhất, đã nhận được đến 192 phiếu « tín nhiệm thấp ».
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, mà uy tín đã bị xói mòn bởi một
loạt các xì-căng-đan tham nhũng và các quan ngại về việc lãnh đạo nền kinh tế,
dường như đã thu hút được cảm tình hơn so với năm ngoái, nhờ mạnh mẽ lên tiếng
đả kích Trung Quốc.
AFP nhắc lại, Hà Nội và Bắc Kinh đang căng thẳng trong vấn
đề chủ quyền biển đảo tại Biển Đông. Hồi tháng Năm, Bắc Kinh đã tự tiện đưa
giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 vào vùng biển Hoàng Sa thuộc vùng đặc quyền
kinh tế của Việt Nam, gây hấn với lực lượng cảnh sát biển Việt Nam làm nhiệm vụ,
và dẫn đến các cuộc biểu tình bạo động chống Trung Quốc. Giàn khoan này được
rút đi hồi tháng Bảy.
Ông Nguyễn Tấn Dũng không ngừng đả kích thái độ cứng rắn của
Bắc Kinh tại Biển Đông, tranh thủ các diễn đàn khu vực trong đó có cả hội nghị
ASEAN tại Miến Điện mới đây, để kêu gọi quốc tế có hành động mạnh mẽ hơn nhằm kìm
hãm hành động xâm lăng của Trung Quốc tại các vùng biển bị Bắc Kinh yêu sách chủ
quyền.
Tuy các nhà quan sát hoan nghênh việc tổ chức bỏ phiếu tín
nhiệm – như một dấu hiệu cho thấy cố gắng của chế độ để làm dịu bớt sự bất mãn
của dân chúng - nhưng nhiều người cho rằng kết quả bỏ phiếu là vô nghĩa, bên
trong hậu trường các quan chức vẫn sẽ « đóng cửa bảo nhau ».
Còn theo nhận định của Reuters, cuộc bỏ phiếu tín nhiệm lần
này diễn ra một năm trước Đại hội Đảng, là dịp để chọn lựa ra những người lãnh
đạo, trong nỗ lực tiếp tục tìm kiếm sự hỗ trợ của phương Tây. Theo những lời đồn
đoán, thì đang có sự rạn nứt sâu sắc trong hàng ngũ lãnh đạo Việt Nam, giữa phe
bảo thủ và phe được cho là cải cách.
Thụy My
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét